Product development

Phần 1 – Phôi Thai Ý Tưởng, Đánh Giá & Nghiên Cứu, Phát Triển Sản Phẩm


Phần 1 - Phôi Thai Ý Tưởng, Đánh Giá & Nghiên Cứu, Phát Triển Sản Phẩm

(Bài viết trong chuỗi bài - Từ A đến Z về Vòng Đời Sản Phẩm)

Như đã hứa, chuỗi 06 bài viết về vòng đời sản phẩm từ ý tưởng cho đến khi sản phẩm được người tiêu dùng sử dụng một cách an toàn xin được phép bắt đầu với Phần 01 – “Phôi Thai Ý Tưởng, Đánh Giá & Nghiên Cứu, Phát Triển Sản Phẩm”

Khi 01 doanh nghiệp quyết định tung ra một dòng sản phẩm mới trên thị trường, đó không phải là quyết định của 1 suy nghĩ ngẫu nhiên, mà là cả 01 quá trình làm việc miệt mài và sát cánh cùng nhau của rất nhiều bộ phận (department), dưới tên gọi của 01 dự án (Project) trong đó các bên liên quan được gọi là thành viên ban dự án (Stakeholder), ví dụ: Dự án sản xuất bánh mì free gluten, Dự án sản xuất sơn chống tĩnh điện…

Các bên liên quan của 01 dự án (Ngành Hóa – Thực Phẩm – Mỹ Phẩm) thường bao gồm: Phòng Sales & Marketing; Phòng R&D, Tài Chính, Pháp Luật, Regulation; Sản Xuất, Quản Lý Chất Lượng, Bảo Trì… liệt kê như vậy để các bạn thấy được sự liên đới mật thiết của các thành viên trong tổ chức và bỏ đi suy nghĩ công việc làm ra và bán 01 sản phẩm mới là chuyện của Marketing & Sales và R & D.

Trong hình đính kèm của bài viết này, ad cố gắng nhất có thể khi mô phỏng cách mà 01 ý tưởng được triển khai từ “hư vô” cho đến khi sản phẩm được hình thành và chuyển giao lại cho bộ phận sản xuất. Để dễ nắm bắt, ad xin phép chia làm 03 giai đoạn (phase):

  • Giai đoạn 1: Giai đoạn tìm kiếm ý tưởng và đánh giá ý tưởng.
  • Giai đoạn 2: Nghiên cứu & phát triển sản phẩm.
  • Giai đoạn 3: Thử nghiệm và chuyển giao.

Chúng ta sẽ cùng nhau đi qua 03 giai đoạn này nhé.

Phần 1 - Phôi Thai Ý Tưởng, Đánh Giá & Nghiên Cứu, Phát Triển Sản Phẩm

GIAI ĐOẠN 1 – TÌM KIẾM, ĐÁNH GIÁ Ý TƯỞNG

Trong thực tế, ý tưởng có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau và đa phần đến từ những điểm chạm nào đó xuất phát từ Sales & Marketing. Những điểm chạm này có thể liệt kê ra như sau:

  • Đến từ sếp lớn của công ty, các sếp đi dự hội thảo, workshop… thấy công ty khác đang làm cái A, cái B thì cũng muốn đem về làm tại công ty mình, đó cũng là lý do tại sao sếp các bộ phận như Sales & Marketing, R&D hay được các công ty nguyên liệu mời tham gia các hội thảo Đông – Tây các kiểu, vì thông qua đó họ sẽ giới thiệu cho các vị chóp bu này các ý tưởng mới mà thị trường đang hướng đến.
  • Đến từ ý kiến và nhu cầu của khách hàng, công ty bạn đang bán hàng qua các kênh phân phối lớn, những đại lý này phản hồi hiện nay khách hàng đang cần sữa hạt vì người ta đang có xu hướng chuyển từ sữa bò sang các loại sữa thực vật… lúc này công ty bắt buộc phải tiến hành đánh giá tính khả thi của những dòng sản phẩm này nếu không muốn mất đi thị phần vào tay những đối thủ khác.
  • Đến từ các khảo sát, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng: Thành thật mà nói, không nhiều công ty ở VN có đủ tìm lực để làm được việc này vì sự tốn kém của nó. Và cũng có thể khẳng định, không một công ty nào ở Việt Nam có thể tự làm bài bản và chính xác công việc nghiên cứu thị trường, thông thường họ sẽ thuê các công ty chuyên nghiệp về Market Insight với chi phí… siêu to, siêu cay.
  • Đến từ những nhóm phân khúc khách hàng nhỏ, theo ad đánh giá, những điểm chạm ý tưởng này là phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở VN và cho cả bản thân các bạn, nếu muốn khởi nghiệp với nhóm ngành Hóa – Thực Phẩm – Mỹ Phẩm này. Đó là các ý tưởng phát xuất từ các cộng đồng trên mạng xã hội, các nhóm chuyên môn… Ví dụ đó là ý tưởng về sản phẩm xà bông hữu cơ, Nước ép lạnh hay ý tưởng làm son môi từ hoa cỏ tự nhiên… (Cái này nếu có diệp ad sẽ nói rõ hơn ở 01 bài viết khác)

Chốt lại: Ý Tưởng về sản phẩm đã được hình thành ở giai đoạn này và bước tiếp theo là phải đánh giá ý tưởng đó có thực sự khả thi hay không.

Việc đánh giá ý tưởng có khả thi hay không là 01 trong những điểm yếu nhất của dân kỹ thuật bởi vì chúng ta không thực sự… đánh giá. Sự đánh giá khả thi của 01 ý tưởng thông thường bị dân kỹ thuật bó gọn trong 02 từ “công thức”. Nhưng thực sự để 1 ý tưởng được xem là khả thi, nó phải được đánh giá ở 03 khía cạnh đó là: Công nghệ, Pháp Lý & Tài Chính

  • Ở khía cạnh Công Nghệ: Công ty sẽ kỹ thuật hóa mọi “ý tưởng” dưới góc nhìn Yes/No. Ví dụ: Có thể sản xuất được sản phẩm Halal trên dây chuyền không Halal hay không? (Ý tưởng của công ty là muốn sản xuất dòng sp Halal để xuất khẩu), hay công ty có thể sản xuất được sữa chua kefir hay không? Một điều đáng mừng mà theo kinh nghiệm của ad, đó là: Đa phần mọi vấn đề ở góc nhìn công nghệ đều có thể giải quyết được bằng tiền các bạn ạ. Tức là nếu công ty chịu chi là được hết.
  • Ở khía cạnh Pháp Lý: Công ty sẽ đánh giá xem về mặt luật pháp thì việc sản xuất sản phẩm mới này cần phải tuân thủ quy định gì, có những rang buộc nào về luật pháp hay không? Nói cái này hơi “sốc” nè, ai cũng biết sản xuất ma túy là siêu lợi nhuận, nhưng bạn đâu có dám sản xuất đúng không?
  • Ở khía cạnh Tài Chính: Công ty sẽ lượng hóa mọi giấc mơ, ý tưởng ra tiền và là chốt chặn “ghê gớm nhất” để xem ý tưởng có đến được giai đoạn nghiên cứu hay không? Các đề tài tốt nghiệp của sinh viên mà ad có cơ hội được đọc và đánh giá thì gần như 100% chết ở khía cạnh này đấy các bạn. Các bạn sản xuất ra 01 sản phẩm mà giá thành cao gấp 2 lần sản phẩm tương tự có mặt trên thị trường thì các bạn tốt nhất đừng sản xuất. Ở môi trường công ty, giai đoạn này cũng là giai đoạn để công ty xem xét có nên đầu tư máy móc, thiết bị mới để sản xuất sản phẩm mới hay không? Hoặc tìm kiếm những đơn vị gia công (OEM)…

Sau khi ý tượng bị dũa “te tua” ở ít nhất 03 góc cạnh như ad đã nêu ở trên mà vẫn còn tồn tại được thì nó sẽ được chuyển mình dưới cái tên “Dự Án ABC” nào đó và bước vào Phase II - Nghiên cứu & Phát Triển.

GIAI ĐOẠN 2 – NGHIÊN CỨU & PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM

Với vai trò là 01 R&D, vào một ngày đẹp trời, bạn được sếp gọi vào họp và phổ biến thông tin đó là: ‘Chúng ta sẽ bắt đầu triển khai nghiên cứu dòng sản phẩm mì không chiên”, đó chính là lúc công ty đã chấp thuận ý tưởng dự án và những bước mà dân kỹ thuật thích nhất – bước nghiên cứu sản phẩm.

Trong giai đoạn này, người R&D sẽ bắt đầu hàng loạt các công việc từ nghiên cứu tài liệu, đến thử nghiệm công thức và cũng do đó mà đúng bản chất R&D sẽ được chia ra làm các dạng công việc như:

  • R&D Research: Công việc này đa phần sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu tài liệu, thông tin đăng ký sản phẩm, thiết lập SKU# cho sản phẩm mới, nguyên liệu mới
  • R&D phát triển nhà cung cấp: Thông thường các công ty lớn sẽ có 1 nhóm gọi là đội SQD (Sourcing Quality Development) chuyên đi tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp cho sản phẩm của công ty mình, kiểm tra specification của nguyên liệu…
  • R&D Formulator: Đây là nhóm thực hiện chính công việc trộn – chiên – xào – trích ly- phối chế… nhằm mục đích phối chế ra công thức phù hợp.
  • R&D Application (hay còn gọi là Process Engineer) người chuyên thực hiện công việc trial sản phẩm và chuyển giao công nghệ cho bộ phận sản xuất hoặc các nhà máy gia công.

Khi tiến hành giai đoạn nghiên cứu và phát triển, cách này hay cách khác team R&D sẽ cho ra vô số các công thức khác nhau để hiện thực hóa ý tưởng được nêu ở giai đoạn 01. Nhưng dĩ nhiên công việc hiện thực hóa này bị chi phối bởi 03 vòng kim cô: Công Nghệ - Pháp Luật & Tài Chính. Team R&D sẽ giải bài toán ít nhất 03 ẩn số đó là: Với máy móc thiết bị của nhà máy thì phải phát triển theo quy trình nào để có thể sản xuất đại trà được, nguyên liệu được dùng có được cho phép hay không và cuối cùng giá thành phần “ruột” của sản phẩm có nằm trong ngưỡng cho phép hay không? Bài toán này cần phải được tối ưu hóa ở giai đoạn nghiên cứu thì mới đảm bảo sản phẩm có sức cạnh tranh về sau. Một con số mà ad được biết trong lãnh vực FMCG đó là 1-4. Tức là tổng giá thành sản phẩm (phần ruột và bao bì) tốt nhất chỉ được chiếm ¼ giá bán trên thị trường. Hiểu nôm na là nếu bạn mua 1 gói mì tôm giá 4 nghìn đồng thì giá thành sản xuất của gói mì ấy chỉ được phép là 1 nghìn đồng.

Quay lại với công đoạn phát triển sản phẩm, team R&D sẽ tạo ra các mẫu thử gọi là mock-up hay Prototype, những mẫu thử này sẽ được team dự án (ban bệ ở giai đoạn 1) thử nghiệm (ăn thử, gội thử, sơn thử…) và được điều chỉnh cho đến khi được team dự án chấp thuận. Khi Prototype đã được chấp thuận thì bước tiếp theo sản phẩm phải được mang ra thử nghiệm với thị trường (thường là test mù, test cảm quan, mẫu thử…) để đánh giá mức độ chấp nhận của người dùng.

Sau các thử nghiệm với thị trường, sản phẩm sẽ được điều chỉnh đến khi đáp ứng được những yêu cầu nhất định từ phía người tiêu dùng (người dùng thử) để ra được sản phẩm hoàn chỉnh trong phòng thí nghiệm. Có một dạng sai lầm loại 02 (để hiểu sai lầm loại 2 là gì, bạn search từ khóa “các loại sai lầm trong kiểm định giả thuyết” nhé) khi phát triển sản phẩm là đem cái mặc định chủ quan của người nghiên cứu áp dụng cho người dùng. Bạn thấy ngon, thấy giòn chưa chắc khách hàng đã cảm nhận như thế, vì vậy cần phải rất trung lập khi tiến hành khảo sát & đánh giá cảm quan người dùng.

Một khía cạnh cũng cần phải nói để có cái nhìn toàn diện về phát triển sản phẩm, đó là việc phát triển bao bì (Packaging Development) cũng được tiến hành song song với phần công thức. Ngày nay, khi mà các sản phẩm có công thức tương tự nhau và tính năng tương đương thì bao bì là nơi để doanh nghiệp thể hiện sự cạnh tranh và tính sáng tạo của mình, có khi bao bì chính là yếu tố quyết định thành công của sản phẩm. Ví dụ, công ty bạn muốn làm 01 dòng sản phẩm kem đánh răng cho trẻ em. Nếu bao bì vẫn tương tự như bao bì của sản phẩm dành cho người lớn thì chưa chắc đã bán được hàng, vì trẻ em chúng thích những sản phẩm lạ mắt và chúng sẽ đòi bố mẹ mua cho cây kem đánh răng chứa trong hình Doremon chẳng hạn.

Việc nghiên cứu sản phẩm trong phòng thí nghiệm, chốt được công thức với mẻ nhỏ 1kg – 2kg vẫn chưa đảm bảo được khả năng sản xuất hàng loạt vì vậy bộ phận R&D phải thực hiện bước thử nghiệm với mẻ lớn trực tiếp tại các thiết bị của nhà máy, đồng thời chuyển giao quy trình cho bộ phận sản xuất. Đó cũng chính là lý do phải có giai đoạn 03

GIAI ĐOẠN 3 – Trial & Chuyển Giao.

Quay lại với việc phân loại công việc R&D bên trên đã đề cập, ad nhận thấy đa số các công ty đa quốc gia ở Việt Nam chủ yếu là R&D Application hay Kỹ Sư Quy Trình, vì công thức thường được nghiên cứu ở các R&D center/hub của tập đoàn.

Khi các phòng thí nghiệm R&D cơ bản đã hoàn thiện công thức, họ sẽ kết hợp với bộ phận sản xuất, bộ phận quản lý chất lượng tiến hành Trial sản phẩm mới này (Từ Trial ad không muốn dịch ra nghĩa tiếng Việt vì dịch ra nghe nó luộm thuộm quá).

Lúc này R&D sẽ dựa vào thực tế thiết bị hiện có của nhà máy mà quyết định mẻ trial sẽ có khối lượng vào bao nhiêu (lít, kg...) từ đó sẽ đưa ra 01 công thức theo độ lớn của mẻ.

Khi tiến hành trial, R&D sẽ phải xác định thêm tốc độ cánh khuấy, nhiệt độ gia nhiệt hay thời gian khuấy, sấy của nguyên liệu A, B, C nào đó là bao nhiêu. Vì sau này khi chuyển giao cho bộ phận sản xuất, họ chỉ làm đúng y như công thức và chế độ công nghệ được chuyển giao mà không được quyền sáng tạo ra quy trình nào khác.

Sau khi Trial xong, R&D sẽ phải ban hành 1 tài liệu kỹ thuật cho sản phẩm mới, trong đó quy định cụ thể và chi tiết: pH, Độ ẩm, hàm lượng chất khô… khối lượng cần dùng của từng nguyên liệu, chế độ công nghệ chi tiết… Bộ phận sản xuất sẽ xác nhận tài liệu kỹ thuật này và từ đó trở về sau, bộ phận sản xuất sẽ chịu trách nhiệm tuân thủ quy trình khi sản xuất.

Bài viết đã khá dài, hẹn các bạn ở “Phần 2: Từ phòng thí nghiệm đến xưởng sản xuất” nhé.

#Product life cycle

Xem thêm: Quản Lý Chất Lượng (Quality Control) Với Hệ Thống LIMS (Laboratory Management Solution)

Tham khảo thêm các dự án của Lý Sơn Sa Kỳ Lab thực hiện tại đây: 

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN KỸ THUẬT LÝ SƠN SA KỲ
Số 29/11 Đường số 6, Phường Hiệp Bình Phước, Tp Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh.
Tel: 028 36 36 34 76
0934 51 75 76 - 0901 681 202 (Mr Luận)
doanluan@lysonsakylab.vn
0931 458 247 (Mr Thịnh)
huynhthinh@lysonsakylab.vn
 https://lysonsakylab.vn | https://lysonsakylab.com | http://lysonsaky.com.vn

0934 517 576