Những bóng hồng trong phòng kiểm nghiệm


Khi nói đến phân tích kiểm nghiệm, chúng ta thường nghĩ đến một công việc khô khan với hóa chất và máy móc nhàm chán. Thế nhưng, có những cô gái vì “trót yêu, trót thương” ngành hóa phân tích nên đã ‘dành cả thanh xuân’ để gắn bó với phòng thí nghiệm

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu phân tích kiểm nghiệm của Phòng Phân tích Môi trường - Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM CASE, chị Đoàn Thị Bội Hanh, Trưởng phòng, cho biết công việc phân tích kiểm nghiệm dù không có nhiều áp lực cũng không đòi hỏi nhiều sáng tạo nhưng rất cần sự tập trung, cẩn thận và nhiều kiên nhẫn. Để đảm bảo an toàn khi làm việc, trước khi bước vào phòng thí nghiệm, tất cả mọi người đều phải khoác áo bảo hộ (áo blouse trắng), mang dép phòng thí nghiệm, cột tóc gọn gàng.

Phòng Phân tích Môi trường thực hiện quan trắc và phân tích các chỉ tiêu môi trường nước (nước mặt, nước ngầm, nước thải...), môi trường không khí, môi trường đất, chất thải rắn, môi trường sinh thái... Chị Hanh chia sẻ, thường cánh đàn ông sẽ đảm nhận công việc vất vả hơn là ra hiện trường lấy mẫu quan trắc, còn phụ nữ được ưu tiên ngồi trong phòng lab để phân tích nền mẫu.

Học giỏi môn Hóa từ nhỏ và đam mê với những thí nghiệm hóa học, Minh Thi theo học ngành Hóa phân tích và làm việc tại phòng Phân tích Môi trường cũng đã được 2 năm. Cô gái nhỏ nhắn cho hay, lúc mới vào làm, tay nghề vẫn chưa vững bởi không ai học xong lý thuyết mà ra thực nghiệm giỏi ngay được. Nhưng nhờ sự chỉ bảo tận tình của đồng nghiệp đi trước nên Thi dần dần quen việc và thành thạo hơn.

“Người ngoài nhìn vào thì công việc phân tích kiểm nghiệm có vẻ khô khan, nhưng khi mình được làm công việc mà mình yêu thích thì lại thấy rất nhiều thứ thú vị và hay ho”, Thi chia sẻ.

Đang so màu của nitrit trong mẫu nước sinh hoạt để kiểm tra chất lượng, chị Trần Mai Loan cho biết, chị đã gắn bó tại phòng kiểm nghiệm được gần 20 năm. Với chị, làm việc ở phòng kiểm nghiệm cũng không vất vả lắm nhưng phải thật tỉ mỉ và cẩn thận, việc cẩu thả sẽ dẫn đến nhiều sai sót.

Chị Loan tâm sự, suốt ngày mặc áo blouse, ở trong phòng làm bạn với máy móc, mẫu thử nên cũng ít ‘làm điệu làm đẹp’ nhưng vì thích, vì yêu công việc của mình nên cũng không lấy làm buồn chán. “Nếu buồn nếu chán thì đã giải nghệ lâu rồi chứ đâu làm được tới mấy chục năm”, chị vui vẻ nói.

Phòng Phân tích Sắc kí có 24 người trong đó có 12 nữ. Theo chị Nguyễn Lâm Kiều Diễm, Phó Trưởng phòng, hầu hết các bạn nữ trong phòng đều rất trẻ và năng động. Nữ yếu đuối hơn nên những việc nặng như lấy dung môi hóa chất, bưng vác nặng sẽ được các bạn nam hỗ trợ.

Phòng Phân tích Sắc kí chuyên phân tích dư lượng kháng sinh, hóa chất trong thực phẩm, nông thủy sản, thực phẩm chế biến, thức ăn gia súc, gia cầm, nguyên liệu dược phẩm, làm các mẫu nghiên cứu… Công việc ở phòng khá bận rộn vì mỗi ngày phải phân tích hàng chục nền mẫu. Dù làm theo giờ hành chính nhưng công việc phụ thuộc máy móc nên nhiều khi cũng phải ở lại trễ để làm cho xong.

Chị Thảo đang tỉ mỉ cân mẫu thử để phân tích hàm lượng vitamin C trong nước trái cây. Công việc hằng ngày của chị là phân tích phụ gia, chất bảo quản trong thực phẩm như xác định vitamin trong nước trái cây, chất ung thư hóa trong trà… Có mẫu phân tích chỉ mất vài giờ nhưng cũng có mẫu mất cả ngày mới xong. “Nhờ làm công việc này mà mình có thể biết hàm lượng chất dinh dưỡng, chất bảo quản là bao nhiêu…, giúp mình yên tâm hơn trong việc ăn uống hàng ngày”, chị Thảo cho biết.

Mọng Trinh đeo găng tay trước khi kiểm tra mẫu thử với máy sắc ký lỏng ghép khối phổ LCMS (Q-trap). Cô gái trẻ xinh xắn này đã có 6 năm làm việc tại Phòng Phân tích Sắc kí. Máy sắc ký lỏng ghép khối phổ LCMS dùng để phân tích dư lượng kháng sinh trong thủy hải sản, dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm, phẩm màu độc hại.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các cô gái trẻ Phòng phân tích sắc kí.

Phòng Labo Sinh học phân tử ở tầng 5 của trung tâm. Môi trường phòng thử nghiệm vi sinh vật tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao nên phải tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định của phòng thí nghiệm. Trước khi vào Phòng Vi sinh, phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, rửa tay thay dép theo quy định. Khu vực thử nghiệm vi sinh cũng hạn chế người tiếp cận.

Theo chị Hồng , nhân viên phòng Labo Sinh học phân tử, công việc của chị là tìm kiếm, phân tích các virus gây bệnh cho tôm cá, thực phẩm, nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phân tích vi mô trong các thực phẩm biến đổi gen. Dù làm ở đây đã được gần 20 năm nhưng chị Hồng cho biết, công việc cũng không nặng nhọc, mình ‘làm riết rồi cũng quen, cũng mê thôi”.

Máy chỉnh chuẩn độ điện thế tự động dùng để định lượng hàm lượng tinh khiết trong các nguyên liệu dược phẩm, phụ gia thực phẩm tại phòng Hữu cơ nông sản thực phẩm. Theo chị Trần Thị Hiền - Phó Trưởng phòng Hữu cơ Nông sản Thực phẩm, với nhiều máy móc hiện đại, công việc của các cô gái ở đây cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

“Trung tâm cũng có đồng phục nhưng vào khu vực phòng thí nghiệm thì các bạn phải khoác áo blouse, mang dép phòng thí nghiệm. Mọi người đều yêu thích nghề nghiệp của mình nên cũng yêu luôn màu áo trắng. Với lại bọn mình quen rồi nên mặc áo blouse nhìn ai cũng xinh xắn, trẻ trung lắm”, chị Hiền cười giòn tan.

Xem thêm sản phẩm tủ hút khí độc phòng thí nghiệm

Hỏi chị Hiền, suốt ngày tiếp xúc với hóa chất có sợ ảnh hưởng đến nhan sắc không? Chị cười, ở đây chủ yếu là nền mẫu, hóa chất chỉ có dung môi nằm trong tủ hote, hóa chất thông thường là hóa chất rắn được để trong kho, không có mùi không ảnh hưởng. “Bọn mình toàn dân chuyên hóa ra nên sẽ biết được chất nào có hại, có độc hay không. Phòng thí nghiệm cũng có quy định nghiêm ngặt, phân tích mẫu nào thì phải đeo khẩu trang chống độc, mẫu nào thì phải đeo găng tay. Ví dụ như khi làm ở tủ hote thì phải có khẩu trang, có găng tay, tủ hote kéo ở mức độ nào để bảo đảm an toàn cho người làm và không để hóa chất thoát mùi ra bên ngoài".

Hồng Minh, vừa tốt nghiệp khoa Hóa phân tích, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM hiện đang thử việc tại Trung tâm. Minh đang phân tích hàm lượng đường trong mẫu chả cá sau khi đã kiểm định. Minh chia sẻ, những thí nghiệm ở đây cũng không khác nhiều so với những kiến thức Minh được học. Tuy nhiên, ở CASE có nhiều nền mẫu, nhiều máy móc thiết bị hiện đại, đầy đủ nên Minh học hỏi được rất nhiều điều mà ở trường không có.

Với Minh, việc xác định được hàm lượng các chất có trong thực phẩm là một công việc nhiều hứng thú. Minh bày tỏ, sau hai tháng thử việc cô sẽ cố gắng vượt qua kì thi đầu vào để trở thành nhân viên chính thức tại Trung tâm.

Ngọc Hương - Ngọc Minh
http://khampha.vn

0934 517 576