Enzyme trong cơ thể là gì?

Enzyme trong cơ thể là gì? Tại sao chúng quan trọng?


Enzyme trong cơ thể là gì? Tại sao chúng quan trọng?

Enzyme đẩy nhanh tốc độ phản ứng hóa học trong cơ thể để giúp hỗ trợ sự sống. Các enzyme được cơ thể sản xuất để thực hiện các nhiệm vụ rất quan trọng bao gồm xây dựng cơ bắp, phá hủy độc tố và phá vỡ các mảnh thức ăn trong quá trình tiêu hóa.

Enzyme trong cơ thể là gì?

Enzyme là một loại protein được sản xuất tự nhiên trong cơ thể. Hình dạng của enzym gắn liền với chức năng của nó. Nhiệt độ, bệnh tật hoặc điều kiện hóa chất khắc nghiệt có thể làm hỏng các enzyme và thay đổi hình dạng của chúng. Khi điều này xảy ra, enzyme không hoạt động nữa và sẽ ảnh hưởng đến các chức năng cơ thể mà enzyme tham gia hỗ trợ.

Các enzyme cần thiết cho chức năng hệ tiêu hóa chủ yếu được sản xuất trong tuyến tụy, dạ dày và ruột non. Nhưng ngay cả các tuyến nước bọt cũng tạo ra các enzyme tiêu hóa để bắt đầu phá vỡ các phân tử thức ăn trong khi chúng ta vẫn đang nhai.

Các loại enzyme

Có ba loại men tiêu hóa chính. Chúng được phân loại dựa trên các phản ứng mà chúng giúp xúc tác:

  • Amylase phân hủy tinh bột và carbohydrate thành đường
  • Protease phân hủy protein thành các axit amin
  • Lipase phân hủy lipid, là chất béo và dầu, thành glycerol và axit béo.
Amylase là enzyme có trong tuyến nước bọt và dịch tiêu hóa
Amylase là enzyme có trong tuyến nước bọt và dịch tiêu hóa

Tại sao các enzym lại quan trọng đối với quá trình tiêu hóa?

Enzyme rất cần thiết cho một hệ tiêu hóa khỏe mạnh cũng như một cơ thể khỏe mạnh. Cùng với các chất khác trong cơ thể như axit dạ dày và mật, enzyme giúp phân hủy thức ăn thành các phân tử phục vụ cho rất nhiều các chức năng hoạt động sống.

Ví dụ, carbohydrate cần thiết cho năng lượng, trong khi protein cần thiết để xây dựng và sửa chữa cơ bắp nhưng chúng phải được chuyển đổi thành các dạng có thể được cơ thể hấp thụ và sử dụng.

Xem thêm: Thiết kế nội thất phòng lab nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học

Enzyme hoạt động như thế nào trong hệ tiêu hóa?

Amylase được sản xuất trong tuyến nước bọt, tuyến tụy và ruột non. Một loại amylase, được gọi là ptyalin, được tạo ra trong tuyến nước bọt và bắt đầu hoạt động khi thức ăn vẫn còn trong miệng, thậm chí vẫn hoạt động ngay cả sau khi ta nuốt.

Amylase tuyến tụy được tạo ra trong tuyến tụy và đưa đến ruột non. Tại đây, nó tiếp tục phân hủy các phân tử tinh bột thành đường, cuối cùng được tiêu hóa thành glucose bởi các enzym khác. Sau đó, chất này được hấp thụ vào hệ tuần hoàn máu của cơ thể qua thành ruột non.

Protease được sản xuất trong dạ dày, tuyến tụy và ruột non tham gia vào hầu hết các phản ứng hóa học xảy ra ở dạ dày và ruột non. Trong dạ dày, pepsin là một trong những protease chính giúp phân giải các phân tử protein.

Lipase được sản xuất trong tuyến tụy và ruột non, giúp phân giải các phân tử lipid. Lipase cũng được tìm thấy trong sữa mẹ để giúp trẻ dễ tiêu hóa các phân tử chất béo hơn khi bú.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của enzyme

Enzyme hoạt động tốt nhất ở nhiệt độ cơ thể bình thường. Nếu bạn bị sốt và thân nhiệt tăng lên quá nhiều, cấu trúc của các enzyme sẽ bị phá vỡ.

Một số tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như viêm tụy cũng có thể làm giảm số lượng và hiệu quả của một số enzyme tiêu hóa.

Độ pH của dạ dày hoặc ruột cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của enzyme. Enzyme hoạt động tốt nhất trong phạm vi pH khá hẹp. Nếu môi trường xung quanh một enzyme trở nên quá axit hoặc quá kiềm thì hình dạng và chức năng của enzyme sẽ bị ảnh hưởng.

Các hóa chất được gọi là chất ức chế cũng có thể cản trở khả năng xúc tác cho các phản ứng hóa học của enzyme. Các chất ức chế có thể xảy ra một cách tự nhiên cũng có thể là các chất được đưa từ bên ngoài vào như kháng sinh là một ví dụ điển hình.

Chế độ ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của enzyme trong cơ thể. Đó là bởi vì nhiều loại thực phẩm có chứa các enzyme tiêu hóa giúp chia sẻ gánh nặng của các enzym sản sinh tự nhiên trong cơ thể. Ví dụ, chuối có chứa amylase giúp hỗ trợ tiêu hóa tinh bột.

Chuối chứa nhiều amylase
Chuối chứa nhiều amylase

Ngoài ra, thói quen ăn kiêng, tình trạng sức khỏe tổng thể của cơ thể cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ sản xuất, lưu trữ và giải phóng các enzyme cũng như hoạt động hiệu quả của các enzyme. Có chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp hoạt động của enzyme trong cơ thể diễn ra tốt hơn.

Khi nào cần bổ sung enzyme?

Các bệnh lý chẳng hạn như viêm tụy, xơ nang hoặc ung thư tuyến tụy có thể làm giảm số lượng các enzyme quan trọng mà cơ thể sản xuất. Kết quả là, bạn có thể không nhận đủ enzyme để tiêu hóa triệt để thức ăn và nhận được tất cả giá trị dinh dưỡng từ những gì bạn ăn. Khi gặp phải những tình trạng này, việc bổ sung enzyme là cần thiết, tuy nhiên cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Các bệnh lý tuyến tụy có thể ảnh hưởng tới các enzyme trong cơ thể
Các bệnh lý tuyến tụy có thể ảnh hưởng tới các enzyme trong cơ thể

Bạn cũng có thể cần bổ sung enzyme nếu tiếp xúc thường xuyên với nhiều loại hóa chất hoặc thuốc trừ sâu hoặc nếu thực phẩm luôn được chế biến ở nhiệt độ cao. Làm nóng thực phẩm ở nhiệt độ cao có thể phá hủy một số enzyme tự nhiên trong đó.

DS Phan Thu Hiền

Nguồn: https://tudienbenhhoc.com/enzyme-trong-co-the-la-gi-tai-sao-chung-quan-trong.html

0934 517 576